Bạn giữ chân khách hàng được càng lâu bao nhiêu thì người đó lại càng trở nên giá trị với bạn bấy nhiêu, bởi vì số tiền tiêu tốn để có được một khách hàng mới sẽ nhiều hơn 6-8 lần số tiền bỏ ra để giữ chân một khách hàng cũ. Thực tế là các công ty có khả năng giữ được một lượng lớn khách hàng thường là những doanh nghiệp có lợi nhuận gia tăng hàng năm. Ngoài việc mua hàng, các khách hàng trung thành lại còn giới thiệu những khách hàng mới. Như vậy, bạn sẽ tốn ít chi phí hơn rất nhiều khi giữ chân được họ.
1. Xác định giá trị tồn tại của khách hàng hiện có
Một khi bạn biết được mỗi khách hàng đóng góp bao nhiêu cho hoạt động kinh doanh của mình, bạn sẽ bắt đầu hiểu ra giá trị của việc gìn giữ họ. Để làm tốt hơn việc giữ chân các khách hàng, bạn cần có một hệ thống để tập hợp các thông tin về họ và đánh giá của họ về các dịch vụ/sản phẩm của công ty bạn. Một trong số các phương thức hữu hiệu nhất để làm việc này là thông qua việc sử dụng các bảng hỏi đáp theo một cơ sở chung. Các câu hỏi có thể là: Tại sao bạn mua hàng của chúng tôi? Chúng tôi có đáp ứng được yêu cầu của bạn không? Chúng tôi có thể làm gì để cải tiến chất lượng dịch vụ so với hiện nay? Bạn muốn chúng tôi bổ sung thêm những dịch vụ gì? Điều gì về chúng tôi mà bạn thấy hài lòng/ chưa hài lòng..
Việc chăm sóc khách hàng thường xuyên sẽ mang lại cho bạn: Trước hết là các khách hàng sẽ rất vui vẻ khi bạn quan tâm tìm hiểu những thứ họ cần. Thứ hai là bạn sẽ biết được cụ thể các vấn đề có thể là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của họ. Bạn cũng sẽ có thêm ý tưởng cho các sản phẩm hay dịch vụ của mình, và bạn cũng sẽ tìm thấy một vài thông tin rất giá trị về đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp bạn.
2. Tại sao khách hàng từ bỏ bạn
Khi bạn biết rằng bạn đã mất đi một khách hàng, hãy cố gắng làm họ quay trở lại & nếu như bạn không thể làm họ quay trở lại được, thì ít nhất là bạn cũng có thể có được những thông tin quý giá giúp bạn tránh mất thêm những khách hàng khác. Bạn phải tìm hiểu được tại sao họ lại dừng làm ăn với mình: họ không hài lòng với giá cả hay chất lượng sản phẩm của bạn? Hay họ đã nhận được một lời mời tốt hơn từ phía các đối thủ cạnh tranh? …
Thường các doanh nghiệp đánh mất khách hàng là do dịch vụ kém hơn là vì các lý do khác. Khi đã gây ra một sơ suất trong khâu dịch vụ, và một khách hàng khiếu nại, bạn có trách nhiệm phải giải đáp cho khách hàng và lấy lại lòng tin ở họ.
3. Văn hóa “làm hài lòng khách hàng”
Nhận được sự hài lòng của các đối tượng khách hàng luôn là thách thức đối với doanh nghiệp. Hoàn thiện, phát triển dịch vụ bán hàng cũng chính là một trong những cách nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững.
Có câu chuyện "thật như đùa" về một doanh nghiệp: Khi thấy khách hàng cứ lần lượt "ra đi", sếp của một doanh nghiệp nọ không thể lý giải nổi tại sao sản phẩm của họ tốt, công ty có nhiều nhân lực tài giỏi nhưng vẫn không giữ được chân khách hàng. Đích thân vi hành, ông mới thấy một điều khác lạ từ nhân viên công ty mình là hầu như họ “không biết cười” khi thực hiện giao dịch. Sau đó, ông lên kế hoạch đào tạo nhân viên “phải biết cười”, nếu nhân viên nào không cười khi thực hiện giao dịch sẽ bị sa thải. Sau những ngày tháng nghiêm túc “tập cười”, dịch vụ bán hàng của công ty tốt hơn hẳn, có nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng, số hợp đồng nhiều hơn, lợi nhuận của công ty vì thế cũng tăng đáng kể.
Cuộc đua phát triển dịch vụ, thu hút khách hàng, giành thị phần tiêu thụ, luôn là một bài toán khó. Chỉ có những doanh nghiệp biết đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên tất cả, xây dựng và thực thi tốt văn hóa doanh nghiệp mới có khả năng trường tồn...